Đánh đồng thuế nhà trên 700 triệu: Dân nào chịu thấu?

Không phản đối Thuế tài sản, nhưng các chuyên gia tỏ ra phản ứng với đề xuất Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính.

Đa phần ý kiến cho rằng mức thuế chưa thực sự thuyết phục, nếu thực hiện rất dễ dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế” mà đối tượng gánh chịu vẫn là người dân.,

Thu ra sao với người có 3 căn hộ dưới 700 triệu/căn và người sở hữu 1 nhà giá 2 tỷ?

Các chuyên gia cho rằng trong trường hợp đề xuất này được thông qua, cơ quan soạn thảo cần tính toán kỹ và áp thuế phù hợp với từng đối tượng dân cư. Chẳng hạn một người có ba căn hộ, giá trị mỗi căn dưới 700 triệu đồng và một người có căn hộ trị giá 2 tỷ đồng sẽ được tính thuế ra sao?

Tiến sĩ Ngô Trí Long cho hay: “Người dân mua được căn nhà đã có hàng loạt loại thuế. Nếu gia tăng sắc thuế có lẽ vượt ngưỡng chịu đựng của người thu nhập thấp. Làm luật cần phải phân loại đối tượng chịu thuế, còn không sẽ khó tạo ra công bằng”.

Gia tăng sắc thuế có thể vượt giới hạn chịu đựng của người thu nhập thấp. Ảnh: Tiến Tuấn

Thực tế thế giới đã áp dụng hình thức đánh thuế tài sản, và có thể trong dài hạn Việt Nam cũng cần phải thực hiện, để đảm bảo công bằng. Nhưng việc đánh thuế tài sản ở Việt Nam nếu áp dụng đánh đồng cho mọi đối tượng là điều bất cập.

Cũng theo các chuyên gia, có nhiều ý kiến cho rằng người dân đang phải gánh quá nhiều loại thuế, nhưng mỗi loại thuế có tính chất, mục đích khác nhau. Nên việc xây dựng khung thuế cần phải căn cứ trên tình hình thực tế của nền kinh tế, không phải thế giới sao thì chúng ta như vậy. Có thể nếu đánh thuế tài sản, chúng ta cần tập trung ở một giá trị hợp lý, đánh thuế những tài sản xa xỉ.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng Cục trưởng – Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, nêu ý kiến: “Tỷ lệ đánh thuế nhà ở áp dụng 0,3% là mức khởi đầu có thể chấp nhận, nhưng cần xem lại đối tượng sử dụng đất phi nông nghiệp. Vì khi đã đóng thuế đất phi nông nghiệp mà lại đóng thêm thuế tài sản sẽ dẫn đến trùng thuế”.

Cũng theo bà Cúc, ngưỡng chịu thuế sẽ là một vấn đề lớn cần giải thích rõ ràng cho dân, nếu không sẽ dẫn đến việc phản ứng rất mạnh. Nếu chung cư ở mức 1,1 tỷ đồng (mức phổ biến), sau khi trừ đi 700 triệu đồng ngưỡng không chịu thuế, hàng năm người sở hữu phải nộp thuế tài sản cho phần dư ra 400 triệu đồng.

Thêm vào đó, phần đất để xây chung cư cũng phải tính thuế tài sản hàng năm. Khoản thuế này sẽ được tính cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhân với hệ số cụ thể. Đó là một gánh nặng, nhưng vẫn chưa có sự lý giải hợp lý cho ngưỡng phải đóng này.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ ra rằng dự thảo luật này chưa rõ ràng, gây ra một nghịch lý khiến ngay cả người nghèo cũng có nguy cơ bị thu thuế. Hiện ở các thành phố lớn, nhà ở xã hội rẻ cũng phải tiền tỷ chứ không có giá dưới 700 triệu đồng. Nếu thu ở mức 700 triệu đồng thì coi như nhà ở xã hội cũng bị đánh thuế.

“Trong khi Chính phủ tung ra gói hỗ trợ người nghèo mua nhà ở xã hội thì lại đi đánh thuế nhà. Như vậy, người nghèo vừa vay được tiền mua nhà đã phải chịu thuế, rất mâu thuẫn vì đầu này hỗ trợ đầu kia lại tận thu. Như thế dân sẽ rất sốc vì gánh nặng thuế má như hiện nay”, ông Phong phân tích.

Nộp thuế không để nuôi bộ máy Nhà nước cồng kềnh

Bộ Tài chính lý giải ngoài việc tăng thu ngân sách, việc áp dụng thuế tài sản còn mục đích kiểm soát thu nhập ở các tầng lớp dân cư, kiểm soát tham nhũng… Nhưng theo các chuyên gia, Bộ Tài chính cần chứng minh việc đánh thuế tài sản sẽ nhằm mục tiêu gì, tính khả thi ra sao? Thuế phải đảm bảo sự công bằng.

Chính sách thuế nhà, đất phải tuân thủ nguyên tắc thứ nhất là hỗ trợ chính sách của Chính phủ, giúp người dân có nhà ở. Còn nếu việc đánh thuế đi ngược lại với chủ trương trên là không hợp lý.

Nguyên tắc thứ hai là phải có tính công bằng, người thu nhập thấp mua nhà để ở phải đóng thuế thấp hơn những người nhiều nhà, người kinh doanh bất động sản.

Share

Add Your Comments

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *